Loài Hoa Tigôn
Đã biết rằng hoa mang kiếp sầu Sao tôi còn những muốn đem gieo
Để giờ hoa đỏ như tim vỡ
Tôi vận vào tôi buốt sắc màu. …
“Ti-gôn” là chữ Antigone. tên khoa học là Antigonon leptosus. Người miền Bắc và miền Trung gọi tắt thành “Ti-gôn”, còn người Nam gọi là "nho kiểng". Là loại dây leo, nhánh và phát hoa có vòi ở chót, chùm kép to, hoa có 5 tai đỏ, ngoài 3 trong 2, tiểu nhị dính nhau ở đáy ; noãn sào 3 cánh, 3 vòi, nhụy bế quả ( Việt nam tự điển - Lê văn Đức và Lê ngọc Trụ ). Hoa Ti gôn có ba màu. Trắng, hồng xác pháo và đỏ tươi. Ti gôn là loại dây leo thường niên nhờ có củ to, ưa chịu nóng mùa hè và thích nhiều nước. Về mùa đông, người ta cứ tuởng Ti-gôn đã chết, nhưng thực ra không phải vậy. Lá rụng nhiều, ngọn cây chết nhưng gốc cây không chết và phục hồi chóng ở mùa tới. Có thể trồng Ti-gôn bằng củ, hoặc cành đều được.
Antigone có nguồn gốc ở xứ "Mễ tây" * Nguồn gốc là một loài hoa hoang dại, ở Mỹ nghe nói có nhiều ở vùng sa mạc thấp tại California và Arizona, còn ở Việt nam thì nó phù hợp với tâm hồn lãng mạn của người Hà Nội hơn hết, nên ở Hà nội thường được trồng thành giàn trước sân, thành dậu xung quanh nhà. Riêng ở miền Trung, hoa Ti - gôn có thể mọc hoang cả trên cánh đồng, bên đường đi thành từng bãi. ở Miền Nam thì ít thấy hơn và thông thường chỉ có loài màu đỏ.
Ti-gôn còn mang nhiều tên khác rất đẹp tùy theo địa phương xứ sở như:
· Sách Cây cỏ Việt nam của Phạm Hoàng Hội ti gôn còn được gọi là "Dây Hiếu nữ", "Hoa Nho"
· Queen's Wreath ( tràng hoa vương miện của Nữ Hoàng )
· Rose de Montana ( Hoa hồng của vùng Montana )
· Tên Mỹ thông dụng là Coral Vine ( dây leo san hô).
Những fan hâm mộ của “Hai sắc hoa ti gôn” thì gọi Ti-Gôn là “hoa máu”, “hoa lòng”, "hoa tim vỡ". Tôi cho rằng, có lẽ do hình dáng đặc biệt của Ti-Gôn, nên một thiếu nữ mơ mộng nào đó đã dệt nên một chuyện tình bằng thơ đầy lãng mãn và có phần bi thương. Thiếu nữ cầm giữ cả Ti-gôn cùng với mình chơi trò ú tim với thi ca. Những cánh hoa màu hồng xác pháo mang hình hài của trái tim vỡ rụng rơi trên đất lạnh ở cuối mùa thu do vậy đã trở nên bí ẩn, ly kỳ. Một cuộc truy lùng “Hai sắc hoa Ti-Gôn” kéo dài dễ quá một nửa thế kỷ nay vẫn chưa kết thúc trên các tao đàn văn chương ở Việt Nam.
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi lòng thấy buồn
Ngậm ánh nắng tà qua làn tóc
Tôi chờ người đến với yêu thương!
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Giải tường xa vút bóng chiều phong
Và phương trời thẳm mờ xa cách
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng.
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng thế thôi.
Với “Hai sắc hoa ti gôn”, bao kẻ si tình vẫn còn ngẩn ngơ, đọc thơ rồi lại tự vấn vương, ám ảnh vào mình như thể là TTKH là mình, như thể tình yêu trong bài thơ đó là của mình…
Tôi sợ chiều thu nắng phớt mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây trắng
Người ấy sang sông đứng ngóng đò.
Nếu biết rằng tôi đã có chồng
Trời ơi! người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ đến loài hoa rụng
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng!
Ti – gôn nhờ vào lời thơ có cánh của TTKH, tạo nên ảo giác buồn se sắt . Hình ảnh của một thiếu phụ Việt Nam khóc cho tình yêu xưa cũ không thành, mà loài hoa có nguồn gốc từ xứ sở xa xôi ấy bỗng nhiên có ngôn ngữ riêng của mình:
· Hoa của “trái tim mong chờ”
· Hoa của “tình yêu không phai mờ”
· Hoa của sự “tan tác sinh-ly”
Nói đến đây, tôi lại không thể không kể đến một câu chuyện mà tôi biết. Một câu chuyện tình có thực, không hư ảo, ú tim như “Hai sắc hoa ti-gôn”, nhưng câu chuyện lại bắt đầu từ hai người cùng mê bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn”, bị “Hai sắc hoa ti-gôn” mê hoặc mà hệ lụy đến nhau, hệ lụy đến câu chuyện chưa kết thúc của Ti-gôn, tựa như là kiếp luân hồi của Ti-gôn vây. Và tôi đã có viết một bài về câu chuyện ấy, xin được đưa vào đây nguyên văn…
Những hạt hoa ti gôn
Cơn gió lạnh tạt qua khu vườn, lay nhành hoa ti gôn màu xác pháo đung đưa. Hoa nở trên hình hài của những trái tim vỡ, sương đọng giọt lại dưới những cái cánh vỡ ra ấy, chúc xuống như thể là giọt chảy ra chính từ trong tim. Thu bỗng nghe nhói đau ở lồng ngực bên trái. Từ lâu lắm rồi Thu vẫn có cảm giác ấy, bởi vì trái tim trong lồng ngực của Thu giờ đây cũng vỡ và nhỏ giọt từng ngày như loài hoa ti gôn kia có khác gì đâu…
Đó là một buổi chiều mùa thu, nắng vàng vọt xanh xao dự báo một cơn mưa biển sắp đến. Thu hồi hộp đứng chờ chuyến tàu khách, trong lòng có đôi chút không yên, phần vì biển động khiến con tàu về bến muộn những gần một tiếng, phần vì đó là lần đầu tiên Thu hẹn gặp anh.
Rồi anh cũng xuất hiện với bộ dạng rất bụi, không hành lý, không nón mũ, hai tay đút túi quần như thể từ nhà anh đến nhà Thu chỉ cách vài lối ngõ. Thu đón anh như đón một người thân quen từ lâu lắm, chỉ là đi xa mới về mà thôi. Giữa hai người hình như không cảm thấy có khoảng cách, chí ít là Thu cảm thấy như thế. Rồi trong những ngày bên nhau ấy, một sự nhầm lẫn hi hữu buồn cười của anh đã gieo mầm nên dây hoa ti gôn trong vườn nhà Thu…
Thu nhớ, hôm đó hai người lên đồi dạo chơi, đầu lối vào có một tường ti gôn nở hồng chào đón. Thu bảo anh hái cho Thu một nhành. Nhưng anh không hái nhành hoa nở, mà lại hái một cành đầy những nụ màu xám, rồi anh bảo: “Hoa ti gôn là loài hoa của sự chia ly, nên anh chỉ hái cho em cành nụ thôi, nụ chưa nở thì không hề có sự chia ly!”. Thu ngoan ngoãn cầm lấy nhành nụ thả vào cốp xe để đem về nhà và cắm vào bình nước. Những ngày sau đó, vì có anh bên cạnh nên Thu không còn để ý đến nhành hoa là mấy. Nhưng khi anh đi rồi, Thu rất buồn nhớ. Nhớ anh, Thu lại đem bình hoa ra ngắm, mới hay nó không phải là nụ. Đó là những bông hoa ti gôn đã phai, cánh bạc thành màu xanh xám, có lẽ là do cánh hoa khép lại để bảo vệ hạt hoa nên hình hài trông giống như là nụ. Và bên trong những cái tưởng là nụ ấy đã có những cái hạt màu nâu - mầm mống mới của một câu chuyện luân hồi kiếp hoa buồn đang hình thành. Thu đem những cái hạt đúc vào đất và một tuần sau, nhưng chỉ có duy nhất một mầm Ti - gôn non chanh đã nhú lộc.
Thu cũng không biết vì sao ti gôn lại vận phải số mệnh chia ly vào mình, khi mà đâu chỉ có hoa, từ màu sắc cho đến cái lá của ti gôn đều mang hình hài trái tim. Đáng lẽ nó phải được đại diện cho tình yêu hạnh phúc mới phải chứ. Rồi khi những chiếc lá hình trái tim ấy bắt đầu xanh mượt, cũng là lúc Thu cảm nhận được khoảng cách tình yêu dần xa.
Không giống với quy luật đời thường, những đôi tình nhân khác gần nhau thì cãi nhau mà xa nhau lại nhớ nhung. Ngược lại, anh với Thu khi gần bên nhau hạnh phúc thật êm đềm, nhưng xa nhau lại hóa ra có chuyện. Mà chuyện lại chẳng có gì to tát đáng kể, Thu chỉ lờ mờ nhận ra có điều gì đó phũ phàng đang đến với mình. Có thể là do Thu đã sai lầm khi dễ dàng chấp nhận anh sớm quá để anh coi thường? Nếu quả là như vậy, thì sự im lặng bây giờ của Thu là hợp lý. Cho dù như thế trái tim Thu rất đau. Nhưng thà Thu chấp nhận nuôi một trái tim đau trọn đời hơn là để nó phải đập nhịp hỗn độn giữa sự nhầm lẫn yêu và nhân ngãi. Nếu yêu, tự anh sẽ cảm nhận được khát vọng của mùa thu để quay về mà hóa giải cho ti gôn thoát khỏi số mệnh chia ly. Bằng không người đời thiếu chi kẻ sĩ vốn khoái chí gán cho Ti - gôn những sự tích buồn để mà tùy bút…
Thu nghe trong trái tim mình đang vỡ mảnh nên những tiếng thơ buồn:
Đã biết rằng hoa mang kiếp sầu
Sao tôi còn những muốn đem gieo
Để giờ hoa đỏ như tim vỡ
Tôi vận vào tôi buốt sắc màu.
Đăng nhận xét